Kể từ năm 2007, khi công nghệ AMOLED bắt đầu được thương mại hóa, nó đã làm “thăng hoa” về thị giác cho màu sắc tự nhiên hơn, hình ảnh chân thật hơn trên các màn hình hiển thị của điện thoại di động, máy nghe nhạc, TV và máy ảnh kỹ thuật số.
Ngày nay, công nghệ này đang từng ngày được cải tiến để hướng đến việc tiêu thụ điện năng và chi phí thấp, cùng độ phân giải ngày càng cao với kích thước màn hình hiển thị lớn hơn.
Bạn có biết AMOLED là viết tắt của gì và nó là gì không? Nếu bạn muốn biết câu trả lời và xem tại sao AMOLED vừa tốt vừa xấu, hãy tiếp tục theo dõi bài viết.
Mục lục
Màn hình AMOLED là gì?
AMOLED (Active Matrix Organic Light Emitting Diodes – tạm dịch là đi-ốt phát sáng hữu cơ ma trận hoạt động) đây là một công nghệ hiển thị được sử dụng rộng rãi, Đặc biệt trong các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, …
Chữ “LED” của AMOLED là viết tắt của “Light Emitting Diode” (đi-ốt phát sáng). Đó là công nghệ giống như công nghệ bạn tìm thấy trên nhiều thiết bị gia dụng cho thấy rằng nguồn điện đang bật với một đèn đỏ. Màn hình LED có khái niệm này, thu nhỏ và sắp xếp các đèn LED thành các cụm màu đỏ, xanh lục và xanh lam để tạo ra một pixel riêng lẻ.
Chữ “O” trong AMOLED là viết tắt của “Organic” (hữu cơ). Nó đề cập đến một loạt các màng vật liệu hữu cơ mỏng được đặt giữa hai dây dẫn trong mỗi đèn LED. Chúng tạo ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua.
Cuối cùng, chữ “AM” trong AMOLED là viết tắt của “Active Matrix” (ma trận chủ động). Ma trận chủ động đề cập đến công nghệ được sử dụng để định địa chỉ các pixel. Bảng điều khiển màn hình AMOLED sử dụng bóng bán dẫn màng mỏng (TFT – Thin-Film Transistor) chứa tụ điện lưu trữ duy trì trạng thái điểm ảnh đường thẳng. AMOLED được gọi là ma trận hoạt động vì nó bao gồm các lớp khác nhau để hình thành màn hình. Lớp cực dương được tích hợp màng TFT có nghĩa là nó không phụ thuộc vào mạch bên ngoài để phát sáng điểm ảnh.
Ưu thế và hạn chế của màn hình AMOLED
Ưu thế:
- Nền đế nhựa mỏng và nhẹ.
- Nền đế nhựa giúp hấp thụ sốc tốt hơn và khó bị vỡ hơn.
- Góc nhìn tuyệt vời.
- Dải gam màu rất rộng.
- Màu đen sâu và độ tương phản tuyệt vời vì các pixel riêng lẻ có thể được tắt, làm cho nó rất thích hợp với HDR.
- Hiệu quả năng lượng và tuổi thọ pin tốt.
Hạn chế:
- Công nghệ sản xuất khó và đắt đỏ hơn (vd: màn hình cong).
- Đèn LED màu xanh lam phân hủy nhanh hơn màu đỏ hoặc xanh lục, làm giảm vòng đời của bảng điều khiển.
- “Điểm cháy sáng” (Burn-in) dễ xảy ra, nghĩa là điểm ảnh (pixel) có thể suy giảm ở các tốc độ khác nhau nếu một phần của màn hình hiển thị hình ảnh tĩnh liên tục đủ lâu.
Màn hình AMOLED và OLED
Màn hình OLED có thể sử dụng hai kiểu điện tử để điều khiển hình ảnh mà chúng hiển thị: PMOLED và AMOLED. Vì vậy, không có sự khác biệt giữa OLED và AMOLED, vì AMOLED là màn hình OLED.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa PMOLED và AMOLED. PMOLED là viết tắt của Passive Matrix OLED và nó là một thiết bị điện tử không có tụ điện lưu trữ. AMOLED, như chúng ta đã biết, là Active Matrix OLED và trình điều khiển thiết bị điện tử của nó có một tụ điện lưu trữ. Do đó, màn hình AMOLED cho phép tốc độ làm tươi cao hơn so với PMOLED. Ngược lại màn hình PMOLED lại yêu cầu dòng điện tương đối cao hơn để hoạt động.
Màn hình AMOLED và LCD
Một số người cho rằng AMOLED tốt hơn LCD, trong khi số khác lại tranh luận ngược lại. Tuy nhiên, có những ưu và nhược điểm đối với cả hai công nghệ màn hình này:
- Màn hình AMOLED có thể bật hoặc tắt từng điểm ảnh (pixel) một cách độc lập và điều đó có nghĩa là chúng có thể mang lại màu sắc tự nhiên và đẹp hơn nhiều so với màn hình LCD. Trong khi đó, màn hình LCD (Màn hình tinh thể lỏng) không phát sáng các điểm ảnh một cách độc lập mà chúng sử dụng đèn nền và một bảng các điểm ảnh để chặn ánh sáng trắng và phân cự ánh sáng qua các bộ lọc màu phía sau để tạo màu sắc. Công nghệ này không thể mang lại màu sắc tự nhiên như AMOLED có thể.
- Cũng bởi vì cách chúng hiển thị màu sắc khác nhau, màn hình AMOLED và LCD không giống nhau khi nói đến mức độ sáng mà chúng có thể cung cấp. Mỗi điểm ảnh trên màn hình AMOLED đều có nguồn sáng nhỏ riêng, trong khi màn hình LCD sử dụng đèn nền phía sau màn hình. Do đó, màn hình LCD có xu hướng cung cấp mức độ sáng cao hơn so với màn hình AMOLED.
- Một hệ quả khác của cách mà màn hình AMOLED và LCD làm sáng các điểm ảnh của chúng, đó là AMOLED thể hiện màu đen thực sự (bằng cách tắt các điểm ảnh một cách độc lập), trong khi LCD thể hiện màu trắng rõ ràng hơn (vì nó có đèn nền mạnh hơn).
- Khi nói về việc sử dụng AMOLED hoặc LCD trên màn hình sử dụng pin, mức tiêu thụ điện là một vấn đề. Vì AMOLED có thể tắt hoàn toàn các pixel một cách độc lập, bạn có thể cho rằng nó tiết kiệm điện hơn LCD. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào cách bạn sử dụng thiết bị của mình. Màn hình AMOLED cần ít năng lượng hơn màn hình LCD khi hình ảnh hiển thị không có nhiều màu trắng nhưng lại tiêu tốn nhiều điện năng hơn nếu hiển thị nhiều màu trắng, vì màn hình AMOLED cần nhiều năng lượng hơn để bật các điểm ảnh của nó. Mặt khác, màn hình LCD dùng một lượng điện năng không đổi bất kể loại hình ảnh mà chúng hiển thị, bởi vì đèn nền của chúng luôn bật.
- Màn hình AMOLED có thành phần hữu cơ trong những điểm ảnh (pixel) của chúng, trong khi màn hình LCD thì không. Điều đó có nghĩa là tuổi thọ của màn hình AMOLED có xu hướng thấp hơn so với màn hình LCD.
Tạm kết về màn hình AMOLED
Bây giờ bạn đã biết AMOLED là viết tắt của từ gì và tại sao nó là một công nghệ tuyệt vời. Bạn cũng biết tại sao không ai có thể nói rằng nó là công nghệ hiển thị tốt nhất và tại sao các công nghệ hiển thị khác như IPS LCD lại cạnh tranh với nó. Bạn muốn thiết bị của mình có màu đen thực sự và màu sắc tươi sáng thì màn hình AMOLED là tuyệt vời hơn cả, hay bạn chú ý đến giá rẻ nhưng đủ dùng thì màn hình LCD là lựa chọn hợp lý. Đừng quên tham khảo thêm thủ thuật dùng android nhé!
Phan Tùng
Thông tin người gửi